Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Dục

là lòng ham muốn của mình, nó là nguyên nhân sinh ra muôn vạn sự đau khổ cho nên lòng ham muốn còn là còn đau khổ, do vậy phải dứt trừ lòng ham muốn. Nếu không xa lìa, từ bỏ lòng ham muốn thì không bao giờ tâm thanh tịnh.

Tâm không thanh tịnh thì không có đủ bảy năng lực Giác Chi để nhập các định chứng Tam Minh. Cho nên, tâm còn ham muốn dù sự ham muốn ấy nhỏ như hạt cát thì cũng khó mà tìm thấy sự giải thoát thân tâm mình.

Tâm bất tịnh là tâm còn dục, là tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh dù có ngồi thiền năm, bảy ngày, một tháng, hai tháng, một năm…thì thiền định ấy vẫn là tà thiền, tà định. Tâm ly dục ly ác pháp dù không ngồi thiền nhập định năm, bảy ngày thì tâm ấy cũng vẫn là tâm nhập định.

Điểm sai khác thiền định của Phật và thiền định của ngoại đạo là ở điểm này. Tâm ta thường hay bị chướng ngại do các ác pháp bên ngoài tác động vào làm cho nó khổ đau. Mục đích ly dục ly ác pháp còn có nghĩa là ngăn ngừa lòng dục bên trong tức là không cho khởi lên lòng ham muốn, nếu nó có khởi lên lòng ham muốn thì phải quán xét tư duy để diệt nó ngay liền.

Dùng tri kiến quán xét vào tâm của mình rất tỉnh táo từng phút, từng giây tác ý để ngăn và diệt lòng ham muốn. Nhờ pháp tu hành như vậy nên lòng ham muốn càng lúc càng giảm, càng lìa ra. Cuối cùng tâm dục lần lượt bị diệt mất. Dục có hai phần:

1. Dục thiện (đạo đức);

2. Dục bất thiện (vô đạo đức). Phật giáo chủ trương diệt dục ác, tăng trưởng và nuôi dưỡng dục thiện, nhưng người sau không hiểu ý nghĩa này, nên tưởng giải cho Phật giáo chủ trương diệt dục, là diệt cả dục thiện và dục ác.

Diệt cả dục thiện và ác, đó là một triết thuyết ảo tưởng của người sau, không thực tế, thiếu chân thật. Bản chất con người là dục, nếu diệt dục tức là diệt con người, mà diệt con người để làm gì? Có ích lợi gì? Phật giáo ra đời vốn giúp con người thoát khổ, chứ đâu phải ra đời dạy diệt con người.

Diệt dục là diệt con người, làm cho con người thành như đất đá. Con người sống mà như đất đá thì còn nghĩa lý gì là con người nữa. Diệt con người thì còn gì là hạnh phúc của con người nữa (chữ hạnh phúc ở đây chúng tôi muốn chỉ cho tâm thanh thản, an lạc và vô sự, chứ không phải theo nghĩa hạnh phúc của dục lạc trai gái lứa đôi, hay sự hoà thuận trong gia đình, cha mẹ nói con cái vâng lời, trên dưới hòa hợp không chống trái nhau).

Bản chất con người là dục, vì thế con người không thể diệt dục mà chỉ diệt dục ác pháp, hay nói đúng nghĩa là diệt dục ác. Chính con người thường khổ đau là vì dục ác. Dục thiện là một bản chất tốt. Người ta làm thiện, muốn cho mình không khổ, người khác không khổ, ấy là dục tốt, dục không làm hại mình, không làm hại người là dục tốt; dục không tham, sân, si là dục tốt; dục không giết hại chúng sanh, không ăn thịt chúng sanh là dục tốt; dục không tham lam, không vọng ngữ, không tà dâm, không nói thêu dệt, không vu khống người, không nói lời hung dữ, thô ác, đó là dục tốt.

Đạo đức nhân bản nhân quả là dục tốt. Muốn làm chủ sinh, già, bệnh, chết là dục tốt... Ở đây không diệt dục thiện vì dục thiện là đạo đức làm người, mà chỉ diệt dục ác, dục ác là không đạo đức, chỉ làm khổ mình, khổ người.

Nếu con người muốn toại nguyện trong việc sống an vui hạnh phúc, thì duy nhất chỉ còn lòng ham muốn sống trong thiện pháp (tức là đạo đức làm người). Như vậy, muốn thoát ra mọi sự đau khổ thì cần phải thấu rõ hành động nào thiện, hành động nào ác. Thấu rõ được hành động nào ác thì hành động ác không làm, mà luôn làm hành động thiện. Do sự vô minh không rõ thiện ác, nhân quả, mà chúng ta sống thiếu đạo đức làm khổ mình, khổ người, khổ tất cả chúng sanh.

Sự đau khổ trong thế gian này được đức Phật xem như là sự bẩn thỉu, ô trược, hôi thối, bất tịnh. Chúng do từ ác pháp sinh ra. Mặc dù dục là nguyên nhân sanh ra muôn thứ đau khổ nhưng có loại dục không đau khổ, đó là dục không làm khổ mình, khổ người; dục làm lợi ích cho người, cho mình, dục làm chủ sanh, già, bệnh, chết thoát khổ của kiếp làm người; dục chấm dứt luân hồi sanh tử.

Đó là những dục thiện mà người tu sĩ Phật giáo cần phải tăng trưởng. Bởi vậy dục có thiện dục và có ác dục nên đức Phật dạy chúng ta diệt dục ác không diệt dục thiện. “Ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện” là nghĩa ấy vậy.

Diệt dục thiện lẫn dục ác thì chúng ta trở thành cây đá còn đâu gọi là đi tìm sự giải thoát. Trong kinh, Phật dạy Dục là “lòng ham muốn” do tâm dục của con người. Trong Tứ Thánh Đế, Đức Phật đã xác định “Dục” là nguyên nhân sanh ra muôn thứ khổ. Ví dụ: ăn là một dục lạc trong ngũ dục lạc: Sắc, danh, lợi, thực, thùy.

Người đang ăn cảm thấy có dục hỷ lạc, nên thích ăn, nếu không có dục hỷ lạc thì họ không thích ăn. Vậy một tu sĩ ly dục “Ăn”, chỉ ăn ngày một bữa để sống, thì đâu có hỷ dục lạc bằng người ăn ba bữa phải không? “Dục” là nguyên nhân sanh ra muôn thứ khổ của loài người, nên gọi là Tập Đế.

Tập Đế là nơi tập trung các thứ khổ. Khi đã ly được tâm dục đó thì nỗi khổ của con người đã thoát. “Diệt Đế” là diệt hết tâm ái dục tức là diệt hết dục, diệt hết dục tức là Niết Bàn. Vậy Niết Bàn có giải thoát không? Đã nói Niết Bàn mà không giải thoát sao? Phật đã xác định và thấm nhuần lý “dục” là lòng ham muốn, sự ham muốn ác pháp (Tập Đế), nên Ngài chủ trương ly dục, diệt dục.

Nếu không xa lìa, từ bỏ lòng ham muốn ác pháp thì cuộc đời tu hành chỉ hoài công vô ích mà thôi. Nếu không ly dục thì không bao giờ tâm thanh tịnh. Tâm ly dục ly ác pháp dù không ngồi thiền nhập định năm, bảy ngày thì tâm ấy cũng vẫn là tâm nhập định.

Cho nên, Phật giáo lấy giới luật tu tập mà thành thiền định. Phạm giới, bẻ vụn giới, dù ngồi thiền năm bảy ngày, một tháng hai tháng... vẫn là thiền tưởng mà thôi.

Gợi ý