Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Kiến giải

là người tu thiền theo ngoại đạo, tu tập thiền định ức chế tâm “dừng vọng tưởng”. Khi vọng tưởng dừng, hành giả rơi vào định tưởng (Không Vô Biên Xứ Tưởng), từ đó triển khai tưởng tuệ. Hành giả tu đến đây có những “tiểu ngộ” hoặc “đại ngộ” về những công án và các kinh sách phát triển.

Trên lộ trình này, hành giả tiếp tục đi sâu vào trạng thái tĩnh lặng, vượt qua không vô biên xứ, nhập vào trạng thái thức vô biên xứ, hành giả “triệt ngộ” (ngộ tất cả các công án và kinh sách phát triển).

Các loại thiền định này, không phải là thiền định xả tâm của đạo Phật (ly dục ly ác pháp) nên hành giả đắm chìm trong các pháp thế gian, tâm còn say mê ăn, uống, ngủ, nghỉ phi thời, v.v... và còn ham thích chùa to, tháp lớn, danh tiếng vang lừng.

Vì tâm dục và ác pháp không trừ, nên hành giả không thể nhập vào Chánh định vì đã rơi vào kiến giải, tưởng mình như đã tu chứng, do đó bản ngã to lớn ra, cũng từ đó đường tu chấm dứt, chỉ còn biết lợi dụng kiến giải này, để buôn Phật, bán Pháp, làm cho cuộc sống danh lợi càng ngày càng phát triển to lớn như một lãnh chúa.

Kiến giải là một tai hại rất lớn cho người tu sĩ chân chánh, họ tưởng là thông suốt giáo lý kinh sách, thiền ngữ, nào ngờ sự thông suốt ấy lại là một tai họa hiểm nghèo cho kiếp đời tu sĩ, đi đến bước đường cùng của sự tu tập, ngoài danh lợi họ không còn thấy gì khác hơn với một số ngôn ngữ bã mía của người xưa, họ chỉ biết cắm đầu vào những kiến giải đó mà thôi.

Kiến giải không phải là trí tuệ hiểu biết chân thật mà là tưởng tuệ, phát triển theo chỗ ức chế tâm của thiền định tưởng. Người tu theo đạo Phật phải cảnh giác, phải nghiên cứu kỹ các loại thiền định: loại thiền định nào ức chế tâm là loại thiền định rơi vào kiến giải, chỉ có thiền định của đạo Phật là Bốn Thánh Định, là loại thiền định xả tâm.

Vì thế, thiền định này không rơi vào kiến giải và đưa hành giả đến nơi giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh, già, bịnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử. Người tu sĩ cần phải lưu ý: Khi tâm thanh tịnh, tức là vọng tưởng vắng bóng trong lúc tọa thiền, thường phát khởi niệm kiến giải, cảm thấy như mình thông suốt nghĩa lý kinh sách và công án, thì coi chừng bị ma pháp tưởng.

Đây không phải là trí tuệ mà chính là ma tưởng.

Gợi ý