Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Định

Định là tâm thanh tịnh, tâm ly dục, ly ác pháp; định là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; định là tâm không tham, sân, si, mạn, nghi; định là tâm thanh thản, an lạc và vô sự; định là tâm không phóng dật.

Chữ “định” của Phật giáo có nghĩa là tỉnh giác, tĩnh thức xả tâm dục và ác pháp, tĩnh thức tâm không phóng dật; tĩnh thức tâm thanh thản; tĩnh thức tâm bất động trước các pháp và thọ; tĩnh thức thân tâm tịnh chỉ các hành; tĩnh thức tâm Tứ Như Ý Túc và tĩnh thức tâm trong Tam Minh (Các loại định: Định Niệm Hơi thở, Định Chánh Niệm Tĩnh Giác, Định Vô Lậu, Định Vô Tướng Tâm, Định Bất Động Tâm, v.

... đều nhắm vào sự xả tâm ly dục ly ác pháp, chứ không phải ngồi tĩnh lặng như con cóc, để rồi sanh ra các trạng thái dục tưởng lầm chấp cho đó là định. Đạo Phật dùng chữ “định”, để chỉ cho tâm “vô lậu”, tâm vô lậu là tâm đoạn diệt ngũ triền cái và thất kiết sử. Lúc nào cũng tĩnh thức trong mọi hành động thân nội hay ngoại đều phải kèm theo pháp hướng tâm (Như lý tác ý) “Quán ly tham, quán ly sân, quán ly si, quán thân vô thường, quán thân vô ngã, quán tâm như đất, v.

...”.). Định của giới luật sanh ra là sự “tĩnh thức” luôn luôn hoạt động trong “tầm và tứ thiện”. “Định” của Phật giáo phải do “giới sinh định”. Giới là pháp môn ly dục ly ác pháp. Khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm nhập Định Tâm Bất Động.

Định tâm bất động là khi tâm định trên thân hành tức là thân động dụng chỗ nào thì tâm biết ngay chỗ ấy, như khi ngồi thì tự nhiên biết hơi thở ra vô. Định là do sống không làm khổ mình, khổ người có nghĩa là sống mà không tham sân si, mạn, nghi. Người sống giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, thì người ấy nhập định, là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, là nhất tâm.

Nhất tâm là chỗ tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ, là bất động tâm, là vô tướng tâm tức không có ba tướng làm tâm động (dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu). Vì thế đừng hiểu lầm định của giới luật là tâm bất động không vọng tưởng, chẳng niệm thiện niệm ác; cũng đừng hiểu với nghĩa là tịch chiếu.

Nhất tâm không phải là tâm không có vọng tưởng tức là tâm không có niệm khởi theo nghĩa của Đại Thừa và các giáo phái Bà La Môn là loại thiền định tưởng do ức chế ý thức để tưởng thức hoạt động.

Gợi ý